Dạy con sống thảo
Tất nhiên, việc dạy dỗ bé biết chia sẻ với mọi người cũng không hề dễ dàng. Như trường hợp của Forest Melchior, một bà mẹ có hai con, và cô đang phải cố gắng rất nhiều để giúp hai đứa con của mình, một đứa 3 tuổi và một đứa 5 tuổi, học dược cách trao đổi đồ chơi và không gây gổ với nhau. Cô chia sẻ rằng: “Tuy cố gắng như vậy nhưng sự thật thì, việc buộc phải chia sẻ là nguyên nhân chủ yếu khiến chúng đánh nhau suốt ngày. Nhưng tôi hiểu rõ điều đó là khó khăn nên sẽ không bỏ cuộc, ngay cả với người lớn chúng ta, việc chia sẻ với người khác cũng đâu có dễ dàng.”
Melchior nói rằng, cô đã cố gắng thử tất cả mọi cách, từ việc dành thêm một chút thời gian cho một đứa nghịch nút bấm trong phòng tập thể dục tới việc cho phép một trong hai đứa trẻ có thêm thời gian chơi với một món đồ chơi mới, “nhưng việc tìm được một lý do phù hợp để cân bằng với cả hai đứa thực sự là rất khó.”
Học sẻ chia từ những điều đơn giản nhất
Đa phần trẻ em không thể hiểu được các khái niệm “của tôi”, “của bạn”… cho tới khi trẻ được khoảng 3 tuổi. Nhưng các bé mới biết đi lại bắt đầu có những nhận thức về sự công bằng, cho dù khái niệm “công bằng” của chúng hoàn toàn khác biệt với người lớn. Nếu với người lớn, việc chia công bằng phải là 50-50 thì các bé mới biết đi lại hiểu sự công bằng phải là 90-10, và tất nhiên, bé sẽ giữ 90%, còn 10% kia là để dành cho bạn.
Bước đầu tiên, trước khi nói trực tiếp với bé về hành vi của bé và đưa ra lời khuyên nhủ (như các bậc cha mẹ vẫn thường hay làm), thì bố mẹ cũng nên tìm hiểu nhu cầu cũng như mong muốn của bé. Việc chúng ta chỉ tìm ra lỗi của bé và “chấn chỉnh” bé thôi là chưa đủ, bé cần biết rằng mong muốn của bé được bố mẹ đánh giá cao và tôn trọng. Khi bé ngoan ngoãn chia sẻ đồ chơi cho bạn, bố mẹ cần phải khen bé và tỏ thái độ tán thành với hành động đó.
Các cách dạy trẻ biết chia sẻ
Làm gương cho con. Trẻ rất thích bắt chước người khác, nhất là bố mẹ mình, bé làm những gì đã thấy bố mẹ làm. Vì vậy, bạn có thể làm những việc nhỏ để bé nhìn thấy, như cắt đôi quả táo chia cho nhau, chia đôi chiếc bánh,… Bạn cũng có thể chỉ cho bé thấy tấm gương của những người xung quanh. Dần dần, bé sẽ làm theo gương của bạn.
Cho bé chút “quyền lợi”. Để không tranh giành đồ chơi với anh em và các bé khác, bạn nên để bé lựa chọn ra những đồ chơi mà bé thích nhất và để riêng một chỗ. Còn những đồ chơi khác bạn để ra khu chơi chung, để các bé khác có thể chơi.
Kiên nhẫn và nhẹ nhàng. Bạn biết rõ rằng bé không thể ngay lập tức làm theo những điều bạn nói mà phải cần một thời gian rất dài để bé từ từ thay đổi. Không nên nản lòng trước việc bé không tiến bộ, và phải nhẹ nhàng trước những lần mắc lỗi của bé.
No comments:
Post a Comment