Dạy con biết yêu thương
Yêu thương trước hết phải bắt nguồn từ gia đình. Cha mẹ có yêu thương con cái thì con cái mới khôn lớn, thành người và con cái cũng phải biết ơn, biết yêu thương cha mẹ để khi trưởng thành sẽ vững vàng hơn trong cuộc sống, trong học tập và công việc và trở thành điểm tựa của gia đình, của cha mẹ.
Xã hội với nhịp sống vô cùng gấp gáp như hiện nay, con cái thể hiện rất nhiều cách cư xử khác nhau, có trẻ bận bịu quá với công việc, với bạn bè quên mất gia đình của mình, có trẻ vì quá thực dụng, quá ích kỷ, tham lam nên bỏ sót yếu tố nhân văn khiến nhiều bậc cha mẹ phải đau lòng.
Biết yêu thương để trưởng thành và trở thành điểm tựa của gia đình.
Cha mẹ hãy dạy con cái biết yêu thương từ khi còn bé thơ. Tôn trọng các chuẩn mực đạo đức xã hội, những đạo lý làm người. Những câu nói như “Con yêu ai nhất?”, “Con có thương mẹ không?” đều đánh thức cảm nhận yêu thương trong lòng và trong trí não của trẻ. Khi được hỏi những câu đó, trẻ sẽ nghĩ đến những tình cảm của cha mẹ dành cho mình bấy lâu nay, đến những vất vả sớm khuya cha mẹ đã cố gắng dày công chỉ để con được ăn, được học hành tử tế, được có một mái ấm thật êm đềm, và dĩ nhiên câu trả lời của trẻ sẽ là “Con yêu ba mẹ nhất.”Khi trẻ lớn lên, trẻ dần ý thức hơn và cũng nhạy cảm hơn với những yêu thương. Yêu thương không phải lúc nào cũng chiều chuộng con cái, bỏ mặc những sai lầm của con khi con làm việc xấu, nói bậy, cãi lại cha mẹ… Những lúc đó cha mẹ phải thật nghiêm khắc với con, đưa ra những quy định, kỷ luật để con không còn hư nữa, và nói với con rằng cha mẹ có yêu thương con mới không muốn con mắc phải sai lầm, nhỏ tuổi sẽ ít sai lầm, lớn tuổi hơn sai lầm sẽ nghiêm trọng hơn, nếu cứ theo đà như vậy con sẽ không trưởng thành, sẽ trượt dốc và trở nên hư hỏng. Hiểu được điều đó, và lần sau không tái phạm chính là trẻ đã biết yêu thương bố mẹ, tự ý thức vươn lên không để bố mẹ lo nghĩ nhiều cho mình.
Dù gia đình có hoàn cảnh giàu có hay nghèo khổ cũng không nên để con có thói quen dựa dẫm vào vật chất quá nhiều. Dạy cho con hiểu bố mẹ đã vất vả như thế nào, đã phải làm những gì để con có được tấm áo đẹp, có hộp sữa, có đồ chơi siêu nhân… những thứ đó tuy là đơn giản và nhỏ nhặt nhưng cha mẹ cũng tốn nhiều mồ hôi công sức mới có được, từ đó con sẽ tôn trọng những gì bố mẹ đã cố gắng làm ra, hiểu được tình thương yêu của cha mẹ với con mình như thế nào, hiểu rằng con sẽ phải cố gắng học tập và rèn luyện hơn nữa để đáp lại tình thương yêu ấy.
Tình cảm không thể mua được bằng vật chất, hãy khuyến khích con mình làm những việc có giá trị, có lợi không vì mục đích được thưởng quà, thưởng đồ chơi, hoặc thậm chí là được bố mẹ cho tiền như một hình thức thưởng công. Vì như vậy sẽ khiến trẻ bị kích thích từ vật chất, sự đối phó để có được vật chất chứ không phải bằng tình cảm yêu thương từ tận đáy lòng con trẻ.
Hãy cho trẻ một đời sống tinh thần hạnh phúc bằng sự an toàn khi ở bên cha mẹ, được cảm nhận tình yêu thương. Mỗi khi con có sai sót, khuyết điểm, hãy dùng kỷ luật chứ không phải hình phạt thể xác khiến con trở nên nhút nhát, mất tự tin. Hãy là tấm gương sáng để con nói theo, để con kính trọng, tự hào, đó chính là cách con thể hiện yêu thương với cha mẹ của mình.
Hãy cho con cảm giác an toàn khi ở bên gia đình.
Có được tình yêu thương trong gia đình, khi ra ngoài xã hội trẻ cũng sẽ học được cách yêu thương những người xung quanh, biết quan tâm và chia sẻ. Một con người trưởng thành nếu biết yêu thương người thân, bạn bè thì cũng sẽ nhận lại được nhiều yêu thương, đồng cảm. Yêu thương chính là động lực để con bạn vững vàng hơn trên bước đường đời, có yêu thương để mọi sai lầm được sữa chữa, có yêu thương để có được điểm tựa tinh thần vững chắc. Hãy yêu thương để con bạn biết yêu thương.
No comments:
Post a Comment